Những cánh đồng trong thành phố thiệt là một mảng xanh quý giá. Mỗi buổi sáng, chỉ đạp xe chừng vài cây số, đi hướng nào cũng sẽ bắt gặp những cánh đồng. Gió trên đồng thì hào phóng, màu xanh trên đồng thì vui mắt, không khí thì trong lành, tha hồ hít thở, tha hồ đắm mình trong thiên nhiên. Nhiều lúc nghỉ chân bên đường, tôi bỗng thấy yêu Huế quá trời.
Bạn về Huế thăm nhà, trên môi bạn biến mất những thở than nào là nhà chật, ngõ quá nhỏ, kẹt xe, bụi bặm, ồn ào, nước ngập của thành phố lớn mà bạn đang sống, thay vào đó những tiếng reo lên bất chợt khi đứng trước một cảnh đẹp của Huế. Bạn chạy bộ mỗi sáng con đường ven sông Hương, chụp ảnh với dòng sông, với bình minh, rồi bạn mê mải với những chiều đạp xe đi ra vùng ngoại ô (mà bây giờ cũng đã trở thành thành phố), thăm những làng nghề, tập làm hoa sen giấy, tập gói bánh, chằm nón... “Huế là một thành phố quá giá trị. Mình từng đi thăm những thành phố cổ xưa ở các nước châu Âu, họ cũng bảo tồn kiểu cấu trúc đô thị như Huế bây giờ, nghĩa là trong phố cũng có làng, có rừng và họ làm du lịch tốt lắm. Huế ráng giữ, đừng than nghèo vì nhiều khi có tiền cũng khó mà mua được một bầu không khí trong lành, một màu xanh mướt của những cánh đồng mà nhìn cho đã con mắt mô”.
Ngay ở trung tâm thành phố đây thôi, cánh đồng An Cựu cũng cho tôi những mê mải với lúa, với sương mai, với ráng chiều. Tôi vừa có chuyến đi thăm đồng cùng hai lão nông “thứ thiệt”, tuổi gần 75 với thâm niên hơn năm mươi năm gắn bó với ruộng đồng, đó là ông Lê Văn Thạnh và ông Trương Quang Diên của Hợp tác xã Nông nghiệp An Đông (thành phố Huế). Cánh đồng An Cựu từ xưa đã nổi tiếng với giống lúa De cho gạo ngon “Gạo De An Cựu mà nuôi mẹ già”, bây giờ giống gạo De không còn, nhiều nỗ lực phục hồi cũng không thành công, cánh đồng An Cựu cũng bước vào vụ mùa với những giống gạo ngon khác thay thế, hương cũng thơm lừng, nhưng tôi nghĩ cây lúa De trên cánh đồng An Cựu một đời vẫn còn thơm vì cái tên gạo De An Cựu đã đi vào trí nhớ của bao thế hệ. Gạo ngon xưa không còn, nhưng hương thơm xưa vẫn còn đó, cũng như tiếng thơm của những con người cần lao trên cánh đồng ngàn năm của cha ông.
Bước hẳn xuống ruộng, hai lão nông vạch lá ngắm kỹ cây lúa, ước lượng ngày lúa chín và tiên lượng cả năng suất. Cả cánh đồng An Cựu rộng lớn này và trải dài về tận các xã ở Hương Thủy, Phú Vang, cả hai vụ lúa tươi tốt được là nhờ nguồn nước của sông An Cựu. Tôi nhìn theo tay chỉ của lão nông Lê Văn Thạnh, ngắm những khoảnh ruộng lúa lên xanh, xa xa là những tòa nhà sơn màu trắng, nghe trong lời tâm sự của ông cũng vương vương nỗi buồn: “Những ruộng lúa này đã nằm trong quy hoạch xây dựng rồi, cũng đúng với quy luật phát triển thôi, khi nào họ xây dựng thì mình ngừng trồng lúa”. Tôi hỏi ông: “Vậy không làm ruộng nữa thì chú làm chi?”, ông cười: “Thì tui cũng đến tuổi nghỉ ngơi, làm ruộng cả đời rồi, nhờ ruộng đồng mà nuôi dạy con cái trưởng thành, còn mong chi hơn nữa”. Ông Trương Quang Diên cũng góp chuyện: “Từ đời cha cho đến đời mình rồi con cái, lớn lên từ ruộng đồng, đi mô, làm chi cũng phải biết ơn ruộng vườn”.
Nghe lời tâm sự của hai lão nông, tôi nhận ra trên cánh đồng đâu chỉ có hương thơm của lúa, mà còn có hương thơm tấm lòng những người làm cha, làm mẹ.
Nhiều cánh đồng đã xong vụ gặt, trong không gian mùi thơm của lúa chín, của rơm rạ quyện níu chân người. Tôi bỗng nghĩ thành phố có những cánh đồng là thành phố thơm, thơm suốt bốn mùa, muôn đời còn thơm.
Tin liên quan
Huế không nhộn nhịp như các thành phố lớn, nhưng vẫn có những góc sáng rực rỡ và đầy ...
Tết đến xuân về, khắp đất trời Huế như được khoác lên mình một tấm áo mới rực rỡ. Tro...
Hình ảnh những cơn mưa ở Huế dường như đã là thương hiệu, là một đặc sản của vùng đất...
Vốn dĩ mùa thu Huế rất hiếm, vì ở xứ sở này người ta thường chỉ nhớ đến hai mùa nắng ...