Độc đáo nghi thức cúng dâng Dèng của đồng bào Tà Ôi

Độc đáo nghi thức cúng dâng Dèng của đồng bào Tà Ôi

Người Tà Ôi tổ chức cúng dâng Dèng vào các dịp lễ của gia đình, làng bản. Đặc biệt là trước khi đi buôn bán Dèng ở nơi xa để tạ ơn Giàng (ông trời) đã ban cho nghề truyền thống dệt Dèng.

Dệt Dèng là nghề truyền thống đã có từ lâu đời của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sợi dệt truyền thống của Dèng được sử dụng là những sợi bông khai thác từ thiên nhiên để tạo sợi và các sắc màu vàng, đen, xanh cho quá trình dệt cũng như tạo hoa văn.

Hoa văn của Dèng có khoảng 76 loại, thể hiện qua 3 loại hình là hình tam giác, hình thoi và hình đường thẳng với phức hệ hoa văn về thực vật, động vật, đồ vật, con người và thế giới xung quanh, có ý nghĩa đối với văn hóa tâm linh, khao khát về sự giao hòa giữa trời đất và con người.

Dệt Dèng là nghề truyền thống đã có từ lâu đời của dân tộc Tà Ôi.

Nét độc đáo riêng biệt của kỹ thuật dệt Dèng là người thợ đưa các hạt cườm trực tiếp vào sản phẩm để tạo nên hoa văn, không chỉ tạo bằng chỉ màu như dệt vải thổ cẩm ở những nơi khác. Việc xuất hiện cả hoa văn bằng sợi lẫn hoa văn bằng cườm khiến cho các sản phẩm từ Dèng hết sức độc đáo.

Trong đời sống của người Tà Ôi, Dèng không chỉ đơn thuần là trang phục để mặc. Dèng còn là tài sản quý thể hiện quyền quý, giàu sang, tâm thế và vị thế của người sở hữu. Dèng là của cải để trao đổi hàng hóa, giao lưu, buôn bán, làm cho gia đình ấm no, bản làng giàu có, thịnh vượng và hạnh phúc. Dèng còn dùng để làm lễ vật hồi môn của nhà gái dành cho nhà trai; cho ông bà thông gia; cho chàng rể quý. Dèng được dùng để trang trí, làm đẹp tổ ấm, làm đẹp nhà Rông, làm đẹp nơi linh thiêng của gia đình, họ tộc.

Từ tuổi trăng tròn, các cô gái người Tà Ôi đã được các bà, các mẹ truyền dạy lại cho nghề dệt Dèng. Người Tà Ôi thường tổ chức nghi thức dâng Dèng vào các dịp lễ của gia đình, làng bản. Đặc biệt, trước khi đi buôn bán Dèng ở nơi xa để tạ ơn Giàng đã ban cho nghề dệt Dèng truyền thống.

Nghi thức dâng Dèng được người Tà Ôi tổ chức trang trọng với ba bước chính. Bước thứ nhất - khâu chuẩn bị, người chủ gia đình cùng con cháu tập hợp hết số lượng Dèng trong nhà lại. Sau đó chia ra một phần dành để trang trí nơi linh thiêng, dâng cúng. Phần còn lại được xếp gọn gàng, đặt xung quanh mâm cúng. Ngoài ra, lễ vật chuẩn bị cúng dâng Dèng phải có 1 con gà, 1 vò rượu cần, có khay bánh A Quát, bát hương Ci cul.

Sau khi đã xong phần chuẩn bị, chủ nhà bắt đầu làm nghi lễ cúng dâng Dèng. Trước sự chứng kiến của con cháu trong gia đình, gia chủ đọc bài khấn thể hiện lòng biết ơn đến Giàng: "Ơ Giàng! Hôm nay ngày lành tháng tốt, gia đình con cháu làm lễ cúng dâng Dèng. Mâm cỗ đã dọn sẵn, con gà luộc, bánh A Quát thơm ngon, lòng thành xin mời Giàng xuống ăn. Rượu cần thơm ngon tinh túy, đậm đà tình nghĩa, xin mời Giàng uống.

Tạ ơn Giàng đã tạo cho người Tà Ôi nghề truyền thống dệt Dèng. Để người Tà Ôi có khố áo váy bền đẹp mặc. Có của để làm lễ vật hồi môn cho con gái yêu quý. Có của để trang trí căn phòng cúng của gia đình và nhà Rông của làng bản trang trọng, đẹp đẽ. Để các vị thần linh xuống dự hội được vui lòng mát dạ. Tạ ơn Giàng đã tạo ra của cải vàng bạc, làm giàu cho gia đình, làng bản…".

Tổ chức tái hiện nghi thức cúng dâng Dèng của đồng bào Tà Ôi (Ảnh: Phòng VHTT huyện A Lưới)

Trong lễ cúng này, gia chủ cũng cầu mong Giàng tiếp tục phù hộ cho người mẹ, người chị, người em có sức khỏe dồi dào, để dệt ra nhiều tấm Dèng đẹp hơn, giá trị hơn. Phù hộ cho người cha, người anh đi đường buôn bán Dèng được suôn sẻ, may mắn, buôn may, bán đắt. Mang Dèng đi bao nhiêu thì bán hết Dèng bấy nhiêu, không dư thừa, ế ẩm.

Cuối cùng, khi lễ cúng hoàn tất, Giàng đã trở về nơi ngự trị của mình để tiếp tục các công việc trong coi, bảo vệ bản làng, bảo vệ người dân tộc Tà Ôi, chủ nhà cùng con cháu cùng thụ hưởng lễ vật. Mọi người cùng nâng ly rượu cần, vui trong các vũ điệu Ri Răm, Ân Zựt truyền thống của người Tà Ôi để mừng lễ dâng Dèng thành công tốt đẹp. Cùng với đó, tất cả cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp, may mắn trong cuộc sống.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Phòng VHTT huyện A Lưới cho biết, trải qua hàng trăm năm, nghề dệt Dèng đã được các thế hệ người Tà Ôi lưu truyền, gìn giữ, phát triển đến tận hôm nay. Năm 2016, Nghề dệt Dèng (thổ cẩm) của người Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL. Đây là niềm tự hào, vinh dự của đồng bào dân tộc Tà Ôi nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Hiện tại, trên địa bàn huyện A Lưới có 6 HTX dệt Dèng hoạt động thường xuyên, tạo ra những sản phẩm không chỉ mang lại giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Tà Ôi mà còn góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho gia đình, bản làng. Nghi thức cúng dâng Dèng cũng được người dân Tà Ôi bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Thời gian qua, nghi thức cúng dâng Dèng đã nhiều lần được tổ chức tái hiện để phục vụ người dân và du khách trong các hoạt động văn hóa, du lịch của địa phương.

Thế Trung

Theo: toquoc.vn

Tin liên quan

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế
Tập tục
Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt ở Thừa Thiê...

Đón Tết với trà sen xứ Huế
Tập tục
Đón Tết với trà sen xứ Huế

Cứ mỗi một xuân về Tết đến thì trong mỗi gia đình truyền thống đất cố đô không thể th...

Duyên dáng nón lá Huế
Tập tục
Duyên dáng nón lá Huế

Từ lâu, nón lá Huế đã được mặc định không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn là văn hó...

Độc đáo Lễ Thu tế làng Chuồn
Tập tục
Độc đáo Lễ Thu tế làng Chuồn

Độ giữa tháng 7 âm lịch hàng năm, con em đi làm ăn xa khắp nơi tề tựu về đình làng An...