Ít ai biết rằng tòa nhà Ngự tiền Văn phòng là địa điểm gắn liền với sự nghiệp của một nhận vật có vai trò khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam.
Trong quần thể kiến trúc của Tử Cấm Thành ở Hoàng thành Huế, có một công trình khá đặc biệt nằm ở hướng Bắc. Đây là một dinh thự 2 tầng được xây dựng theo kiến trúc hiện đại, khác với các tòa nhà mang phong cách truyền thống trong Tử Cấm Thành.
Công trình này là lầu Ngự tiền Văn phòng, kiến trúc xuất hiện muộn nhất trong Tử Cấm Thành. Tòa nhà được xây dựng vào khoảng năm 1932, thời điểm vua Bảo Đại về nước chấp chính sau thời gian du học tại Pháp.
Đây là nơi làm việc của Ngự tiền Văn phòng, cơ quan thay thế cho Nội Các (có chức năng phụ tá nhà vua, chuyên trách giải quyết các công việc về văn thư, giấy tờ) từ thời vua Minh Mạng. Về mặt ngữ nghĩa, "Ngự tiền" nghĩa là "trước nơi vua ngự".
Tòa nhà Ngự tiền Văn phòng là địa điểm gắn liền với sự nghiệp của một nhân vật có vai trò khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Đó là ông Phạm Khắc Hòe (1901-1995), một luật sư, nhà văn, quan đại thần thời Bảo Đại - vị vua cuối cùng thời phong kiến trong lịch sử Việt Nam.
Trong những năm 1944 – 1945, ông Phạm Khắc Hòe làm Ngự tiền Văn phòng đổng lý, hàm Thượng thư trong triều đình Bảo Đại. Tòa nhà Ngự tiền Văn phòng chính là trụ sở làm việc của ông.
Trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này, Phạm Khắc Hòe đã tích cực vận động vua Bảo Đại thoái vị, đồng thời ông cũng là người vạch ra những nội dung chính trong quá trình soạn thảo bản Chiếu thoái vị của vua.
Tờ Chiếu thoái vị lịch sử đã được quan đại thần Phạm Khắc Hòe niêm yết tại Phu Văn Lâu từ ngày 25/8/1945 và được vua Bảo Đại tuyên đọc trước toàn thể quốc dân vào chiều ngày 30/8/1945, tại lầu Ngọ Môn, đánh dấu sự kết thúc của chế độ phong kiến Việt Nam.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Phạm Khắc Hòe đi theo cách mạng và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tại thành phố Lào Cai có con phố mang tên ông...
Trở lại với tòa nhà Ngự tiền Văn phòng ở Hoàng thành Huế, sau nhiều thăng trầm lịch sử, công trình vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và ngày nay là một điểm tham quan thú vị trong Di sản văn hóa thế giới – Quần thể di tích Cố đô Huế.
Nằm kế bên hồ nước xanh mát, có khuôn viên rộng rãi với nhiều cây xanh và ghế đá, tòa dinh thự gần trăm tuổi là nơi nghỉ chân quen thuộc của du khách trong hành trình khám phá Hoàng thành.
Tin liên quan
Chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công n...
Ngọ Môn, Hiển Nhơn, Chương Đức, Hòa Bình là tên 4 cửa ra vào Hoàng Thành Huế (Đại Nội...
Triều đình nhà Nguyễn trải qua 13 đời vua trị vì đã để lại cho di sản Huế một khối lư...
Trên dải đất phía Nam Hoành sơn, uy lực Bà Mẹ xứ sở bao trùm từ núi đến biển, quản hạ...